Sau khi trúng số 2,3 tỷ đồng, ông Trần Long giữ lại một ít tiền, còn đưa cho vợ cất giữ. Nhờ vậy, dù đã 6 năm trôi qua, khoản tiền trúng số vẫn còn khá nhiều, cuộc sống của ông cũng ổn định.Người đàn ông quét rác trúng 23 tờ vé số
Thảnh thơi ngồi ở vỉa hè trò chuyện cùng người bạn thân, ông Trần Long (61 tuổi, thường gọi là Bảy Xèo, ngụ phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) vẫn không quên cuộc sống vất vả của 6 năm trước.
Thời điểm đó, ông phải thức khuya dậy sớm phụ vợ dọn hàng, rồi quét rác ở chợ Thủ Đức B (phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức).
Nhờ trúng số, cuộc sống của gia đình ông Long có nhiều thay đổi, không còn khó khăn, chật vật chạy ăn từng bữa.
Ông Trần Long kể lại chuyện trúng số của 6 năm trước.
Nhớ lại vận may của 6 năm trước, ông Long chầm chậm kể: “Đó là ngày 8/8/2016, một ngày mà cho đến tận cuối đời tôi cũng không thể quên”.
Ngày hôm đó, ông Long đang làm trong chợ thì chị Nguyễn Thị Thùy Linh đi bán vé số ngang qua. Thấy chị Linh, ông Long vội vàng lục túi lấy tiền trả số nợ mua vé số còn thiếu.
“Tôi trả tiền mà Linh không lấy. Cô ấy còn bảo không cần trả tiền mà muốn tôi mua thêm 23 tờ vé số. Tôi nói nhiều quá, không dám lấy, sợ không có tiền trả. Tuy vậy, Linh lén cuộn tròn 23 tờ vé số, nhét vào túi của tôi rồi bỏ chạy”, ông Long vừa kể vừa cười.
Đến chiều cùng ngày, khi đang ngồi nhậu với bạn, ông Long phát hiện mình trúng giải an ủi, mỗi tờ được 100 triệu đồng. Với 23 tờ vé số, ông trúng tổng cộng được 2,3 tỷ đồng.
Ông Long kể, cũng trong ngày 8/8/2016, một số người trúng giải đặc biệt cũng mua vé số từ chị Linh.
“Dù số tiền trúng thưởng của họ nhiều hơn tôi nhưng không hiểu sao chuyện của tôi lại được mọi người chú ý hơn cả. Sau này, tôi mới biết, nhiều người đồn tôi trúng 23 tờ giải đặc biệt nên nhiều báo đài tìm đến phỏng vấn”, ông Long chia sẻ.
Nhớ lại chuyện cũ, ông Long cảm thấy rất vui và may mắn.
Nhận tiền thưởng, ông Long chỉ lấy 200 triệu đồng, số còn lại ông đưa cho vợ cất giữ. Vợ ông dùng tiền trúng số trả món nợ hơn 200 triệu đồng mà gia đình vay mượn để sửa sang nhà cửa. Ngoài ra, vợ ông Long còn dùng tiền này làm từ thiện.
Ông Long cũng chia sẻ may mắn của mình với anh em trong gia đình. Gặp người nghèo khổ, ông tặng 500.000 đồng/người. Ông còn cho bạn mượn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, người bạn này đã cầm tiền của ông rồi “một đi không trở lại”.
Nhờ vợ giữ mới còn tiền tỷ
Đến khi chợ không còn cần người quét rác, ông chuyển sang phụ vợ giao hàng. Năm ngoái, khi TP.HCM bùng phát dịch bệnh Covid-19, ông gặp tai nạn gãy xương đùi và vai trong một lần đi mua thuốc uống.
Hiện tại, ông Long không còn đi quét rác, chỉ phụ vợ việc nhà.
Dù sức khỏe giảm sút, ông Long vẫn phụ vợ lặt rau muống để bán. Tuy nhiên, một hôm trong lúc đang lặt rau, ông cảm thấy khó thở và được gia đình đưa đi cấp cứu.
Ông được chẩn đoán bị hạ oxy do có cục máu đông làm tắc nghẽn chứ không phải mắc Covid-19. Để đảm bảo quá trình điều trị không bị lây lan dịch bệnh, ông được chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16.
Sau 8 ngày điều trị, ông được trở về nhà. Từ đó, vợ không cho ông ra chợ giúp việc vặt nữa.
“Ở nhà không có chuyện làm, tôi tự đảm nhận công việc nội trợ, rửa chén, nấu cơm. Xong việc nhà, tôi đi bộ ra ngoài vỉa hè, trò chuyện với ông bạn”, ông Long cho biết.
Ông tự hào trong gia đình không có cảnh “chồng chúa vợ tôi”. Trái lại, ông rất thương và tôn trọng vợ, bởi từ ngày cưới đến nay, chưa khi nào bà ngửa tay xin tiền ông.
“Nhờ đưa bà xã tiền trúng số, đến bây giờ, tôi mới còn tiền tỷ gửi trong ngân hàng, có của để dành cho con cháu. Đến kỳ lãnh tiền lãi, bà ấy đều cho tôi vài triệu đồng tiêu xài, mỗi ngày còn đưa thêm 150.000 đồng. Nếu không đưa vợ giữ, chắc tôi đã tiêu hết số tiền trời cho”, ông Long cười.
Ngoài ra, ông Long rất tâm đắc với câu “Có đức mặc sức mà ăn”. Ông quan niệm người cầm số tiền lớn mà không có đức tự động tiền tỷ cũng tiêu tán hết. Tiền bạc rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng tình người. Trong túi không có nhiều tiền, nhưng hễ gặp người khó khăn, ông đều tặng từ 20.000 – 50.000 đồng.
Người đàn ông từng trúng số tiền tỷ thích ngồi vỉa hè, trò chuyện với bạn bè.
Ông Long rất giản dị, hòa đồng. Đặc biệt, ông không dùng điện thoại. Do không có cách nào liên lạc nhanh với ông cho nên hàng xóm, bạn bè, người thân… đều thông thuộc các hoạt động mỗi ngày của ông.
Hiện tại, mỗi ngày, ông Long đều dành một phần tiền tiêu để mua và hy vọng trúng số. Nếu trúng số một lần nữa, ông sẽ dùng tiền đó để xây dựng những ngôi nhà mơ ước cho người nghèo.