Theo đề xuất mới đây của Đại biểu quốc hội thì luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cần được sửa đổi để tất cả các thanh niên đều được trải qua ít nhất 2 năm huấn luyện quân sự.
Ngày 3/1 vừa qua, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội đã tổ chức tọa đàm tham vấn nội dung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Tại đây, ông Vũ Trọng Kim (nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) cho rằng việc bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu của lực lượng thanh niên.
Theo ông Kim, luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được Quốc hội khóa 13 thông qua vẫn có những trường hợp thanh niên được miễn hoặc hoãn nghĩa vụ quân sự nên không phải 100% thanh niên đều tham gia nghĩa vụ này. Vì vậy, ông Kim đề nghị nên sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự để tất cả các thanh niên đều được tham gia huấn luyện quân sự ít nhất là 2 năm. Việc tham gia huấn luyện quân sự theo ông Kim sẽ là đòn bẩy phát huy vai trò đi đầu của thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tuy nhiên, trái với quan điểm của ông Kim, một số đại biểu khác lại cho rằng để đất nước phát triển kinh tế xã hội thì cần có nguồn nhân lực giàu sức trẻ. Vì vậy nên cần cân nhắc kỹ hơn việc bắt tất cả thanh niên trong độ tuổi từ 18-27 tuổi đi thực hiện nghĩa vụ trong 2 năm. Các chuyên gia cũng đề xuất về việc giảm thời gian huấn luyện xuống dưới 2 năm và tăng cường độ tập luyện, rèn kỹ năng chiến đấu.
Nhìn nhận vào tình hình thực tiễn của địa phương trong việc thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, hiện tại hầu hết các thanh niên trong độ tuổi quy định đều thực hiện nghĩa vụ quân sự và có rất ít trường hợp được miễn. Theo bà Tuyết, các quy định trong luật Nghĩa vụ quân sự 2015 vẫn đang rất phù hợp. Về việc một số trường hợp trốn đi nghĩa vụ quân sự, bà Tuyết đề nghị cần phân loại và xử lý nghiêm.
Theo quy định hiện hành, công dân từ đủ 18 đến hết 25 tuổi có trình độ văn hóa từ lớp 7 trở lên đều nằm trong tiêu chuẩn tuyển quân. Những công dân cận thị từ 1,5 diop trở lên, viễn thị, nghiệm m.a t.ú.y, nhiễm H.I.V đều không được gọi nhập ngũ.
Thông tư 148/2018 ngày 4/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với các trường hợp: chưa đủ sức khỏe theo kết luận của hội đồng; là lao động duy nhất trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không có khả năng lao động; là một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61-80 %; có anh chị em ruột đang tại ngũ hoặc tham gia công an nhân dân; người thực hiện di dân trong 3 năm đầu đến xã đặc biệt khó khăn theo dự án của nhà nước; người được điều động đến làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; người đang học THPT, cao đẳng, đại học chính quy trong thời gian một khóa đào tạo của trình độ tương ứng.
Cùng với đó, luật pháp cũng quy định các trường hợp miễn gọi nhập ngũ, bao gồm: Thanh niên là con của liệt sĩ hoặc thương binh hạng nhất; trường hợp là một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam mất khả năng lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu mà không phải là quân nhân hay công an nhân dân; người được điều động đến làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trong thời gian từ 24 tháng trở lên.
Tổng hợp