Bị khuyết tật cả chân và tay, Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 10C11 Trường THPT Trung An (H.Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ ) nỗ lực rèn luyện viết chữ bằng chân để hòa nhập cùng bạn bè trong học tập.
Nghị lực của hai ông cháu
Được thầy cô dẫn đến lớp Trung đang học, chúng tôi ấn tượng lẫn khâm phục trước tinh thần hiếu học của em. Em ngồi bàn đầu, chiếc bàn được nhà trường đóng riêng để tiện viết chữ bằng chân.
Trung với một góc bàn do trường đóng để phù hợp cho em viết chữ bằng chân
Trong tiết học, Trung hăng hái giơ chân phát biểu (em không giơ tay được – PV), tham gia đóng góp ý kiến, cần mẫn nắn nót từng con chữ theo bài giảng của thầy. Chính tinh thần vượt khó của em làm cho thầy cô, bạn bè đều quý mến. Tuy học lực ở mức trung bình khá nhưng Trung luôn rất siêng năng, chịu khó. Mọi hoạt động tập thể em đều tham gia và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo cũng như các bạn trong lớp.
Học lực tuy trung bình khá nhưng em rất siêng năng và cố gắng trong học tập
Tiếng trống trường tan học vừa vang lên, ngoài trời mưa rơi rả rích. Trung dùng chân cất tập sách vào ba lô, chân kẹp nón kết đội lên đầu, dõi mắt ra ngoài cửa sổ đã thấy ông ngoại Trần Công Quyến (57 tuổi) mặc áo mưa đứng chờ bên ngoài.
Đón cháu trong cơn mưa nặng hạt, ông Quyến đến tận cửa lớp, cởi chiếc áo mưa đang mặc choàng vào cho cháu… Suốt 10 năm qua, Trung luôn có ông ngoại đồng hành trên con đường học tập.
Giơ chân phát biểu đóng góp ý kiến
Trung ở cùng ông bà ngoại. Nhà cách trường khoảng 2 km. Đó là căn nhà cũ kỹ, ẩm thấp. Gia đình thuộc diện khó khăn, không có ruộng đất sản xuất nên ông Quyến chạy xe ôm để trang trải cuộc sống. Ngoài Trung, vợ chồng ông còn chăm sóc cho người em ruột của Trung cũng bị khuyết tật, nằm một chỗ.
Nắn nót viết từng con chữ theo bài giảng
Ông Quyến cho biết, Trung bị tật bẩm sinh. Lúc mới sinh ra, tay chân mềm nhũn, không thể cử động. Thương cháu thiệt thòi, ông tìm mọi cách chạy chữa để cháu có thể đi được bằng hai chân.
Từ bé, Trung đã phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật chỉnh hình đau đớn. Chữa trị chân suốt 3 năm, bác sĩ phẫu thuật chuyển cơ để em có thể đi lại. Sau đó, suốt thời gian dài tập vật lý trị liệu, Trung dần lấy lại cảm giác của đôi chân.
Ngồi đợi ông ngoại đến rước khi tan trường
“Để cháu đi được như ngày hôm nay là cả một quá trình. Ban đầu, tôi đeo máng rồi khích lệ nó đứng, mỗi lần 10 phút, tăng dần lên 15 phút. Đến khi đứng được 30 phút thì tôi tập đi, dùng khăn cột vào nách dẫn đi vòng vòng nhà. Lúc tập đi, nó bị té không biết bao lần, mặt mày phải may không biết bao nhiêu mũi, nhưng nó vẫn cố gắng. Đến lớp 4 – 5 thì nó đi vững. Đó là điều kỳ tích mà hai ông cháu làm được”, ông Quyến rưng rưng.
Ông ngoại Trung ngày nào cũng đứng chờ đón em trước cửa lớp
Khi Trung còn nhỏ, sức khỏe ông Quyến còn tốt nên mỗi ngày bồng em đến tận lớp. Rồi Trung ngày một lớn, ông Quyến lại già đi, sức khỏe yếu dần nên chỉ có thể đưa đón tận cửa lớp rồi dìu cháu vào trong.
“Làm nghề chạy xe ôm, già rồi cũng đâu ai dám đi nhiều nữa. Dù bận bịu mưu sinh ra sao nhưng tôi luôn dõi theo thời khóa biểu của cháu để đến đón đúng giờ, không bao giờ để cháu phải chờ đợi. Tôi dành hết tình yêu thương để bù đắp lại tình thương mà đó giờ nó không được nhận từ cha mẹ nó”, ông Quyến ngậm ngùi.
Ngoài trời mưa nặng hạt, ông khoác áo mưa để Trung không bị ướt