Nằm trong chương trình tiếp tục tìm kiếm những chứng tích khảo cổ dưới lòng sông vùng Lục Đầu (tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương), tháng 11-2022 chúng tôi đã vớt được 22 vũ khí các loại , trong đó đáng chú ý là một lưỡi gươm (kiếm) còn nguyên một phần ốp sơn then mang dáng hình rất giống thanh gươm Mongol được trưng bày tại bảo tàng Chin Ghit Khan (Ulanbator, nước Mông Cổ).

Thoạt đầu chúng tôi chỉ có thể so sánh trên bức hình đã công bố của bảo tàng Chin Ghit Khan với kiểu dáng tạo lưỡi, kích thước , cách gắn đai quai vào vỏ bao và kỹ thuật chốt đốc chặn tay cầm với chủ đích gia cố phần hãm ở cuối tông cán.

Gần đây, nhân chuyến công cán của một trong ba tác giả bài này sang Ulanbator chúng tôi đã có dịp so sánh trực tiếp và nhất là đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia khảo cổ học Mông Cổ : Đấy thực sự là một thanh gươm Mongol thời Đại Hãn, quý hiếm trên thế giới và quý hiếm ngay với cả giới khảo cổ, bảo tàng học Mông Cổ.

Thanh gươm : Có đủ bằng chứng để có thể phục dựng một thanh gươm còn chưa kịp tuốt khỏi vỏ. Đó là một lưỡi gươm sắt hiện còn dài toàn thể 90cm.

Phần vỏ bao của thanh gươm cổ làm bằng gỗ sơn then đen bóng hiện chỉ còn bám ở phần lưỡi tiếp giáp chắn tay, phần ngọn đã mất.

Gươm chia làm hai phần : Phần lưỡi sắc dài 77,5 cm, chỗ rộng nhất đo được 4,8 cm, dày chỉ riêng phần sắt 0,7cm. Phần tay cầm dài 12,5cm. Lưỡi gươm sắt có dạng đao, hơi cong, rộng về phía mũi nhọn, có một rìa lưỡi sắc và sống lưng tày.

Tay cầm là đoạn tong thu nhỏ dày, hẹp được ốp gỗ bên ngoài, gồm có chắn tay là một đoạn thanh sắt nằm ngang đúc liền, chặn đốc cũng là một vòng ốp sắt.

Phần tay cầm ốp gỗ, hiện còn nhưng đã bị khô ngót do không kịp ngâm bảo quản.

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 2.

Nhận thấy giá trị thanh gươm hiện đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, xin dành mô tả chi tiết trong báo cáo này.

Đáng chú ý là hai ngạnh ngoàm bằng sắt gắn trên lưng bao kiếm với khuyên mọc được đúc liền, đảm bảo độ chắc chắn hiếm thấy ở các kiếm Việt. Đây cũng chính là điểm nhận biết của các thanh gươm Mongol đương thời.

Khung cảnh lịch sử nơi phát hiện

Bình Than là một địa danh thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh chạy dài từ dửa song Đuống đổ vào Lục Đầu đến gần ngã ba nước Lục Đầu đổ vào của Kinh Thày.

Địa danh này gắn với Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng năm 1285, khi tin quân Nguyên quyết đánh Đại Việt, cử nhiều đoàn sứ giả sang yếu sách bắt vua tôi nhà Trần quy hàng.

Vua Trần Nhân Tông đã họp các bô lão trong nước lại bàn kế sách đã vang lên quyết tâm “Sát Thát”, quyết đánh.

Trong chiến cục 1285/86 quân Trần đã rút khỏi Thăng Long, tào thế vườn không nhà trống khiến quân Nguyên phải thu cụm lại ở Vạn Kiếp, tức vùng Lục Đầu Giang này.

Đây cũng chính là một trọng điểm kinh tế, quân sự của đất nước Đại Việt đương thời với bao quanh là các thái ấp của cha con Trần Liễu, Trần Hưng Đạo, của Trần Khánh Dư… với các làng gốm, cao lanh, than củi trù phú.

Tại đây chúng tôi cũng đã vớt được gần chục thuyền độc mộc niên đại trong khoảng 1000 – 1500 năm và hàng ngàn đồ gốm sứ kiến trúc, gia dụng, hàng trăm dụng cụ vũ khí sắt . Trong số đó đã lọc được sưu tập lớn gốm sứ  và vũ khí sắt Trần – Nguyên.

Trong sưu tập vũ khí lao kiếm sắt thu thập được cùng thanh gươm Mongol nói trên có 2 thanh gươm lớn khác cũng được xếp vào vũ khí quân Nguyên.

Đáng chú ý còn hai mũi giáo/mác còn nguyên cả cán gỗ. Một chiếc đã được chúng tôi lấy mẫu làm tuổi C14 tại Đại học Quốc gia Úc và một chiếc mang đặc trưng vũ khí đời Trần, do khuôn khổ báo cáo sẽ có một thông báo riêng dành cho phát hiện hai ngọn giáo này.

Trước đó chúng tôi đã phân loại được những mũi tên, móc câu liêm Mongol bằng sắt cũng trong khu vực này.

Chắc hẳn những cuộc tập kích của quân Trần vào chiến thuyền quân Nguyên đóng tại đây trong những năm 1285/86 và 1288 đã khiến một quan tướng Nguyên cao cấp nào đó tử trận mà gươm chưa kịp tuốt khỏi vỏ bao.

Trong những năm gần đây, việc khai thác nguồn di sản dưới đáy các thủy vực (sông, hồ, biển…) đặc biệt sôi động. Hàng ngàn hiện vật Phùng Nguyên, Đông Sơn quý hiếm đã được vớt từ lòng sông Chu, sông Mã, sông Hồng, song Lô, song Chảy.

Gần đây nhất (2002-2003) là công cuộc gom nhặt hàng ngàn di vật đá niên đại Phùng Nguyên ở Đoan Hạ trên dòng sông Đà, sát ngay địa điểm Hồng Đà, Đoan Thượng, Quang Húc mà khảo cổ học đã từng thăm dò khai quật.

Chỉ tháng trước bảo tàng chúng tôi nhận được hai lô hàng gồm gần 200 hiện vật rìu đá rất đẹp thuộc bình tuyến Phùng Nguyên vớt gom ở đoạn sông Đà thuộc huyện Vân Hồ (Sơn La), những rìu đá mà khi khai quật Xóm Rền chỉ cần một chiếc thày Tấn đã thưởng lớp sinh viên năm ấy (1968) ăn cơm thịt gà tưng bừng. Đáng buồn là sự im hơi vắng bóng của các ban ngành hữu quan từ trung ương đến địa phương.

Cách đây trên 20 năm, tiến sĩ Vũ Thế Long đã từng được những người khai thác cát trên sông Đuống đoạn gần phà Hồ gọi đến để vớt hai con thuyền độc mộc gần như nguyên vẹn. Tiến sĩ Long đã chỉ có thể “chứng kiến tận mắt” để hô hào khẩn thiết thông qua một thong báo tại Hội nghị Khảo cổ học năm đó.

Vụ việc cũng rơi vào chìm lắng như vụ anh cũng đã từng hô gào nhân phát hiện hai mỏ neo gỗ khổng lồ của chủ một nhà hàng “bên đê Nhà Bắc Cổ”.

Từ 2014 Phòng Khảo cổ học tàu thuyền đã ra đời ở Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho đến nay đã trục vớt và ngâm bảo quản 22 con thuyền độc mộc và 5 ngàn tiêu bản gốm sứ trong cùng một khu vực Lục Đầu Giang, trong đó nhiều nhất là ở đoạn của sông Kinh Thày nhận nước từ Lục Đầu, đoạn Kiệt Thượng, Phả lại – Sao Đỏ.

Báo cáo này tiếp lời hô gào (hơn cả hô hào) của tiến sĩ Vũ Thế Long nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của khảo cổ học đáy sông (đang và đã đổi dòng) của đất nước ta.

————————

[1] Nguyễn Việt, Tiến sĩ, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

[2] Miroslaw Masojc, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện khảo cổ học Đại học Wroclaw, Ba Lan.

[3] Bazargur Dasheveg Tiến sĩ, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ.

Sau đây là một số hình ảnh minh họa do tác giả cung cấp:

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 6.

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 7.

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 8.

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 9.

Một thanh gươm Mông Cổ niên đại từ thế kỷ 13 tìm thấy ở Bình Than của Bắc Ninh- Ảnh 10.