Theo đó, vào khoảng 17h ngày 17.5.2023, trong lúc làm nhiệm vụ trên biển, lực lượng tuần tra của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS cách mũi Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải khoảng 3 hải lý về hướng đông bắc có dấu hiệu hoạt động không đúng ngành nghề.
Tàu cá này do ông Nguyễn Văn Triển (42 tuổi), trú ở huyện Phù Cát (Bình Định), làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 lao động.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, số gốm sứ phát hiện trên tàu cá BĐ 10546 TS cách mũi Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là cổ vật có niên đại ở thế kỷ 16 – 17, thuộc giai đoạn Minh – Thanh. Ảnh: Ngọc Viên
Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng tuần tra phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS cất giấu 33 đĩa gốm sứ, đường kính khoảng 20cm và 7 tô (bát) đường kính khoảng 15cm trong các khoang tàu.
Làm việc với lực lượng tuần tra, thuyền trưởng Nguyễn Văn Triển khai báo số hiện vật này do các ngư dân trên tàu khai thác tại vùng biển thuộc xã Bình Hải. Lực lượng tuần tra tiến hành kiểm đếm, lập biên bản, niêm phong và tạm giữ toàn bộ đồ vật nêu trên.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi – Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, các gốm sứ thu giữ gồm 3 loại: loại đồ celadon men ngọc vẽ ám họa và vẽ ánh vàng trên men, một số loại men trắng; loại đồ gốm men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô, loại đồ gốm men trắng vẽ hoa màu đỏ gạch; loại celadon ngọc ám họa vẽ ánh vàng rất độc đáo.
Đây cũng là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi phát hiện cổ vật ở trí sâu đến hơn 50m. Con tàu đắm này sẽ mang lại khá nhiều hiện vật, cổ vật có thông tin lớn, bổ sung vào nhận thức con đường tơ lụa trên biển. Ảnh: Ngọc Viên
Gốm sứ tìm thấy có nguồn gốc sản xuất từ các lò gốm Chương Châu, vùng Nam Trung Hoa có niên đại ở thế kỷ 16-17, thuộc giai đoạn Minh- Thanh.
Gốm sứ gồm 33 đĩa, 7 tô có nguồn gốc từ tàu cổ đắm, bị vùi trong lớp bùn và có hàu bám ở độ sâu khoảng hơn 50m nước, xác tàu cổ đắm cần được xác thực, làm rõ qua công tác thăm dò.
Theo nhận định, hàng hóa được chở trên tàu buôn hải hành, khả năng tàu bị chìm nhanh khi gặp bão nên hàng hóa gốm sứ còn giữ nguyên vẹn, trên thân một số đồ gốm sứ còn vết bùn và hàm bám, xác tàu vùi trong bùn.
Các cổ vật thu giữ còn khá tốt, không có vết nứt mới, có cái còn nguyên vẹn. Đây cũng là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi phát hiện cổ vật ở trí sâu đến hơn 50m.
Con tàu đắm này sẽ mang lại khá nhiều hiện vật có thông tin lớn, bổ sung vào nhận thức con đường tơ lụa trên biển.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đề xuất một số biện pháp cần triển khai, trong đó, phải tổ chức khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm thông qua lặn nghiên cứu chụp hình dưới nước.