Từ năm 2024, sẽ có thêm nhiều tin vui về lương hưu cho người lao động. Đó là gì?
Lương hưu là khoản tài chính đảm bảo cuộc sống người dân khi tuổi già đến. Mức lương hưu không phải mức cố định từ thời điểm nghỉ hưu mà sẽ được định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2024, sẽ có thêm nhiều tin vui về lương hưu cho người lao động.
Điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ ngày 01/01/2024
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu hằng tháng được tính theo công thức:
Mức lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong năm 2024, quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng không có sự thay đổi. Tuy nhiên, đối với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ có sự điều chỉnh. Với việc điều chỉnh tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ kéo theo mức lương hưu hằng tháng của người lao động tăng lên, đây thực sự là tin vui cho những người đang hưởng lương hưu từ năm 2024.
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH. Theo đó, đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP bao gồm:
– Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024.
– Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024.
Với việc điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 01/01/2024 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ tăng lên, mà theo công thức tính lương đã đề cập thì mức lương hưu cũng sẽ tăng theo. Việc tăng này nhằm đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng.
2. Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Như vậy, theo nội dung quyết nghị của Quốc hội thì từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương hưu cho người lao động đồng thời với thời điểm cải cách tiền lương công chức. Mức tăng lương hưu từ ngày 01/7/2024 cụ thể bao nhiêu sẽ có thông tin từ Chính phủ trong thời gian tới.
3. Tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương cũng góp phần tăng lương hưu
Từ công thức tính lương hưu cho thấy, việc điều chỉnh tiền lương đóng BHXH sẽ góp phần tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, từ đó góp phần tăng lương hưu cho người lao động.
Dự kiến từ ngày 01/7/2024, mức lương tối thiểu với người lao động sẽ được tăng thêm 6% so với hiện nay. Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng, trong đó, lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.