Đoạn tin nhắn ngắn ngủi mà ngập tràn những yêu thương của người thầy cắm bản với trò nhỏ vùng cao đã khiến nhiều người xúc động.

Thầy Lê Văn Thắng – Giáo viên của điểm Trường Lếch Mông B (Trường Mầm non Thanh Kim) thuộc xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nhắn tin cho người bạn ở Hà Nội với hy vọng xin áo ấm, quạt sưởi về cho các em học sinh. (Ảnh: H.C.)

Sáng 4/12, thầy Lê Văn Thắng – giáo viên của điểm Trường Lếch Mông B (Trường Mầm non Thanh Kim) thuộc xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã nhắn tin cho người bạn ở Hà Nội với hy vọng kêu gọi quyên góp những bộ quần áo ấm, giày, tất, máy sưởi điện, bình nước nóng để đảm bảo sức khỏe trên hành trình tìm con chữ của các em học sinh trong mùa Đông giá lạnh khi thời tiết tại khu vực Sa Pa những ngày qua vô cùng khắc nghiệt.

Thầy Lê Văn Thắng cho biết, điểm Trường Lếch Mông B có 32 em học sinh từ 2 đến 5 tuổi. Phụ huynh của trường chủ yếu là dân tộc Mông, điều kiện khó khăn hầu hết chỉ trông vào nương rẫy, một số ít làm thuê nhưng thu nhập cũng bấp bênh, may mắn hơn thì có nhà thoát li để đi làm kinh tế.


Thầy Lê Văn Thắng cùng các em học sinh điểm Trường Lếch Mông B. (Ảnh: N.V.C.C.)

Thời tiết trên vùng cao vốn đã lạnh, mùa Đông đến cái lạnh càng trở lên khắc nghiệt hơn rất nhiều. Thầy Thắng nói, vào mùa này nước lạnh vô cùng chỉ cần đụng tay xuống nước đã đỏ phát cước, có lúc còn đóng băng đến người lớn như tôi còn không thể chịu nổi. Những lúc như thế chỉ mong có nước ấm cho các con đến trường có cái rửa mặt, chân tay”.

Từ những năm 2013 – 2014 lên trường nhận công tác, thầy Thắng đã phải chứng kiến sự thiếu thốn của học sinh nơi đây. Để phần nào đảm bảo sức khỏe cho trẻ giáo viên cắm bản lại phải khắc phục bằng cách “chuyển hóa” hình thức dạy học. Thầy Thắng chia sẻ: “Thời tiết rét buốt nên chỉ có thể đốt củi để sưởi. Nhưng do không thể đốt củi ở trên lớp nên học sinh phải chuyển xuống bếp để giữ ấm. Mỗi lần như thế tất cả các em sẽ ngồi quanh chậu củi để đọc thơ, học hát dưới sự giám sát của giáo viên”.


Để vượt qua đợt rét đậm, các em học sinh phải chuyển từ lớp học xuống bếp để đốt củi sưởi ấm. (Ảnh: N.V.C.C.)

Những ngày gió rét cắt da thịt, thầy Thắng không ít lần chứng kiến cảnh tượng xót xa khi có hôm trời rét mướt, em học sinh 2 tuổi được đưa đến trường nhưng chỉ mặc đúng một chiếc áo mỏng manh trên người khiến thầy không khỏi nghẹn ngào vì hoàn cảnh khó khăn của các bé.


Các em nhỏ chỉ mặc trên người bộ đồ mỏng manh để chống chọi trước cái lạnh thấu da trong mùa Đông ở vùng Tây Bắc. (Ảnh: N.V.C.C.)

Trước đây, để có củi sưởi ấm cho các em thì các giáo viên phải vào rừng để nhặt. Nhưng vài năm trở lại đây đã phần nào có sự chung tay góp gạo, góp củi từ phía phụ huynh nên ngày đông các bé cũng đỡ lạnh hơn.

Thầy Thắng cho biết, “trong kế hoạch nhà trường kêu gọi xã hội hóa, mọi đóng góp từ phía phụ huynh nhà trường đều công khai minh bạch.

Tuy nhiên có một số nhà còn khó khăn nên khi vận động họ cũng không có mà đóng chỉ có thể cười trừ thôi cũng không biết làm như thế nào”.

Ngoài ra để đảm bảo tỉ lệ đi học chuyên cần của học sinh vùng cao, ngoài nỗ lực giáo dục, vận động cũng còn cần có sự khích lệ, động viên thiết thực cho các em từ những điều giản dị như hàng ngày bữa trưa theo tiêu chuẩn còn có bữa chiều lúc mỳ, khi lại cháo gói.

Thầy giáo điểm trường Lếch Mông B chia sẻ, hiện chỉ còn vài thùng mỳ, thùng cháo nên rất mong có được sự ủng hộ từ mạnh thường quân để thầy cô duy trì cho các em những bữa chiều được “ấm bụng”.


Giáo viên luôn cố gắng để duy trì bữa chiều “ấm bụng” cho các em. (Ảnh: N.V.C.C.)

Ông Cháo Láo Cáu – Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết do xã còn nghèo, hàng năm chính quyền địa phương cũng kêu gọi để kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện hỗ trợ các điểm trường.

Tuy nhiên mỗi đoàn có nhu yếu phẩm khác nhau lại không đều nên cũng rất khó đảm bảo để duy trì cho các em.

Bà Phạm Thị Thu – Phó Hiệu trưởng (Quyền Hiệu trưởng) Trường Mầm non Thanh Kim thông tin hiện trường có 158 trẻ học sinh mầm non, hầu hết là gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó điểm Trường Lếch Mông B do thầy Thắng phụ trách cách trường chính 6km, nằm cách xa nhất trong 4 điểm trường. Mặc dù đường xá được đầu tư đổ bê tông nhưng cũng đã hỏng, xuống cấp, đường dốc nên đi lại cũng khó khăn nên hầu hết nhu yếu phẩm của điểm trường sẽ nhờ phụ huynh chở lên.

Hiện tại bữa trưa các cháu được hưởng theo tiêu chuẩn của nhà nước, mỗi tháng 160.000 đồng một cháu, bình quân một tháng 20 – 22 ngày thì mỗi bữa các cháu được khoảng 8.000 đồng.

Còn để đảm bảo duy trì bữa chiều, giáo viên luôn cố gắng vận động, kêu gọi giúp đỡ. Chính vì vậy nhà trường cũng rất mong qua báo chí có thể lan tỏa đến nhiều nhà hảo tâm, những đoàn thiện nguyện trên cả nước chung tay giúp các em học sinh tại các điểm trường vượt qua mùa Đông giá rét này cũng như duy trì bữa ăn chiều cho trẻ.