Mồ côi cha, mẹ tìm bến đỗ mới, hoàn cảnh khó khăn nên ngoài giờ học, Huỳnh Thị Huyền Trang (17 tuổi) phải đi phục vụ quán nước, làm nail dạo… để có điều kiện theo đuổi ước mơ đến trường.
Tuổi thơ bất hạnh
Huỳnh Thị Huyền Trang hiện là học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Minh Quang (P.Lái Hiếu, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang). Năm 1 tuổi, Trang đã mồ côi cha, sau đó không lâu mẹ em tìm được bến đỗ mới.
Từ năm 2 tuổi đến nay, em sống cùng ông, bà ngoại là Nguyễn Thị Vui (57 tuổi) và ông Dương Phước Tân (55 tuổi). Ba người ở đậu tại một mảnh đất trống, trong căn chòi mái dột cột xiêu, mưa đến nước ngập úng tới bắp chân.
Huỳnh Thị Huyền Trang ở cùng ông bà ngoại trong căn nhà mái dột cột xiêu
Bà Vui kể, ngày mang Trang về nuôi, ông bà còn khả năng lao động. Khi đó, bà làm công nhân trong lò đường, ông Tân chạy xe ba gác thu mua phế liệu. Thu nhập tuy ít nhưng tương đối ổn định để nuôi cháu. Vì vậy, khi Trang đến tuổi cắp sách đến trường, ông bà đưa cháu đi học, cố gắng tròn vai vừa làm ông bà vừa làm cha mẹ để cháu không thiệt thòi.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trước, căn bệnh tuổi già đến sớm, sức khỏe bà Vui giảm sút nên không còn làm được việc trong nhà máy. Kinh tế gia đình từ đây phụ thuộc hoàn toàn vào xe hàng phế liệu của ông Tân. Song, trong thời buổi cạnh tranh khó khăn, việc mua bán của ông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều ngày, ông Tân nhễ nhại mồ hôi trở về với chiếc xe ba gác trống hoác vì không mua được thứ gì.
Ông bà ngoại của Trang sống nhờ xe thu mua phế liệu nhưng thu nhập rất bấp bênh
Phục vụ quán nước, làm nail dạo kiếm tiền đi học
Trang kể, năm lớp 8, ông bà ngoại đau ốm triền miên nên em quyết định nghỉ học để đỡ phần gánh nặng. Em xin làm phục vụ trong quán nước, gom góp tiền đưa ông bà phụ phần thuốc thang. “Lúc đó em rất thích đi học, vì em có ước mơ từ nhỏ là được làm cô giáo. Nhưng thấy ngoại đau ốm tới lui, em không dám tâm sự vì sợ ông bà khổ tâm”, Trang nói.
Trang phục vụ quán nước, làm nail dạo sau giờ tan học
Ở lớp, cô học trò này ngoan ngoãn nên được thầy cô rất yêu quý. Biết chuyện, cô giáo thể dục của Trang đã đến vận động em trở lại trường. Điều đó làm Trang vô cùng xúc động và khiến tinh thần hiếu học của nữ sinh vực dậy. Thấy hoàn cảnh Trang khó khăn, cô giáo giới thiệu thêm cho em nơi học làm nail miễn phí để sau này có thể kiếm thêm thu nhập trang trải việc học tập.
Trang cho biết, do gia đình ở tạm, không giấy tờ cư trú nên các khoản chi phí học tập không được xét miễn, giảm. Suốt 3 năm nay, ngoài giờ học, em dành thời gian đi phục vụ quán nước, làm nail dạo để kiếm tiền tự lập việc học tập. Bên cạnh đó, em cũng hay nhận được sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm trong những giai đoạn khó khăn.
Thấy hoàn cảnh Trang khó khăn, chủ quán nước cho em linh động sắp xếp thời gian, khi không vướng bận việc học thì đến phụ giúp. Tiền thuê trả ngay sau buổi làm, trung bình từ 20.000 – 60.000 đồng. Bà con cũng hay đến nhà em ủng hộ làm nail, dù chỗ ở của em nhếch nhác, tồi tàn. Mỗi lần phục vụ, Trang nhận được 10.000 – 15.000 đồng. Tiền này em tích cóp mua dụng cụ học tập khi cần thiết.
Thấy cháu tất bật làm thêm sau giờ học, ông bà ngoại xót xa. Ông Tân bùi ngùi: “Ngoài đi học và đi làm, Trang còn đỡ đần việc sinh hoạt lặt vặt trong nhà. Thương cháu lắm nhưng chúng tôi không biết phải làm gì hơn ngoài việc lấy tình cảm để động viên, khích lệ cháu. Mong cháu thực hiện được mơ ước làm giáo viên của mình”.
Trang được thầy cô và bạn bè yêu quý vì có ý chí vươn lên học tốt
Cô Hoàng Thị Thư, giáo viên chủ nhiệm của Trang, cho biết trong lớp Trang là học sinh duy nhất phải vừa học vừa đi làm thêm. Vì mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, học lực chưa phải là nổi bật nhưng em là một nữ sinh hiền hậu, ngoan ngoãn, lễ phép và rất chịu khó học tập. Vì vậy, Trang được bạn bè và thầy cô rất cảm mến, yêu thương. Nếu có nhà hảo tâm, lớp luôn đồng thuận chọn Trang là đối tượng ưu tiên để giúp em có thêm điều kiện đến trường.