Vay tiền ngân hàng mua xe trả góp để chạy xe công nghệ, song thu nhập teo tóp, nhiều tài xế quyết định bán xe bỏ nghề.
Giữa năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, với 400 triệu đồng tiết kiệm được sau những năm đi làm, anh Nguyễn Văn Hưng (30 tuổi) quyết định vay thêm 250 triệu đồng trong 5 năm mua chiếc Honda City để đăng ký chạy taxi công nghệ.
6 tháng đầu chạy xe, đều đặn mỗi ngày anh Hưng thu về 1,2-1,8 triệu đồng chưa trừ tiền xăng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, thu nhập của nam tài xế quê Bắc Ninh giảm xuống còn 2/3 so với thời gian mới vào nghề.
Anh Hưng cho biết, số tiền lãi và gốc hàng tháng phải trả ngân hàng là gần 8 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt và nhiều khoản phát sinh khác từ chiếc xe như xăng dầu, bảo dưỡng, phí gửi bến bãi…
“Không thể bám trụ thêm được nữa, tôi quyết định bán xe” – anh Hưng nói.
Sau khi bán xe, anh Hưng chuyển sang đăng ký sang chạy xe ôm công nghệ, giao hàng và đồ ăn để có tiền trang trải cuộc sống trước khi tính đến hướng đi xa hơn.
“Thu nhập cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng một ngày, nhưng không bị áp lực lãi vay ngân hàng đè nặng” – tài xế quê Bắc Ninh cho hay.
Nhiều tài xế taxi công nghệ vẫn cố gắng bám trụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Hữu Chánh
Anh Hoàng Văn Mạnh (38 tuổi, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Anh Mạnh cho hay, 1-2 năm trở lại đây, thu nhập bình quân của anh mỗi ngày dao động từ 800 nghìn đồng – 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trừ chi phí nhiên liệu, ăn uống… số tiền còn lại chẳng còn bao nhiêu.
Thu nhập giảm sâu, mới đây, anh Mạnh đã quyết định bán chiếc Toyota Vios mua năm 2019, vì số tiền vay ngân hàng tới 400 triệu, trong 5 năm, tiền lãi vay phải trả hàng tháng khoảng 10 triệu đồng, chưa tính các loại chi phí sinh hoạt trong gia đình, tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học.
“Tôi cũng không biết có nên quay lại làm tài xế dịch vụ không nữa” – anh Mạnh ngập ngừng và cho biết, nhiều đồng nghiệp của anh cũng băn khoăn nếu “ôm” xe chạy tiếp thì nợ không biết bao giờ trả xong, còn bán xe phải vay mượn thêm cả trăm triệu đồng mới đủ tiền trả nợ.
Anh Trần Văn Thắng (34 tuổi) – chủ một showroom xe cũ trên đường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) – cho hay, một năm trở lại đây, anh mua lại trên dưới 10 xe chạy dịch vụ, trong khi trước đó gần như không có. Chủ yếu là các dòng hatchback, sedan cơ bản như Hyundai i10, Hyundai Accent, Toyota Vios, Kia Morning…
Theo anh Thắng, những xe chạy dịch vụ được định giá thấp hơn 5-10% so với xe cũ thông thường, bởi nhu cầu mua xe cũ đang chững lại và tâm lý khách cũng không thích một chiếc xe đã chạy dịch vụ.
Phần lớn tài xế bán lại xe là người mới vào nghề, chưa có nhiều tiền tích luỹ. Chi phí sinh hoạt cao, trong khi mất thu nhập đều đặn khiến các chủ xe buộc phải bán xe để trang trải.
“Nếu tài xế chỉ chạy dịch vụ dạng kết hợp với một nghề khác hoặc có thâm niên, tài chính ổn định mới có thể “gắng gượng” trong giai đoạn khó khăn hiện nay” – anh Thắng nói.