Vấn đề đa dạng hóa diễn viên hai miền cũng đang được đặt ra cho Táo quân (Gặp nhau cuối năm) với nhiều thách thức nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có dàn nghệ sĩ phía Bắc góp mặt trong chương trình. Liệu phía sau những nguyên nhân khách quan như: lịch tập luyện, chạy sô… của nghệ sĩ hai miền khác nhau còn gì khác?

Chuyện đã được tính từ lâu

Không phải đến khi khán giả đặt câu hỏi: Vì sao các danh hài miền Nam không “được” đóng Táo quân thì đạo diễn, ê-kíp chương trình mới cân nhắc việc mời nghệ sĩ phía Nam. Thực tế, NSƯT Đỗ Thanh Hải – Tổng đạo diễn chương trình Táo quân đã công nhận trước truyền thông, những nghệ sĩ hài như Trấn Thành, Trường Giang nếu biết khai thác có thể thành nhân tố đặc biệt của chương trình dạng này. Tuy nhiên, từ việc nhìn ra nhân tố đến mời nghệ sĩ phía Nam tham dự là cả câu chuyện không hề đơn giản.

Chương trình Táo quân cầu kỳ từ kịch bản đến chọn diễn viên, lịch tập… tất cả đều mất thời gian nhiều hơn một sản phẩm hài thông thường và đòi hỏi nghệ sĩ tham gia phải dành nhiều thời gian.

Không chỉ khán giản, đến những nghệ sĩ nhiều năm “nhẵn mặt” trong chương trình Táo quân cũng mong có sự đa dạng vùng miền bởi xét cho cùng, nếu không có nhân tố mới, chính những người cũ sẽ chịu áp lực gấp nhiều lần trong việc làm mới bản thân.

Đầu năm 2018, đã có tin đồn danh hài Trấn Thành góp mặt trong Táo quân. Ngay sau đó, quản lý của nam diễn viên-MC đã xác nhận với báo giới Trấn Thành chưa nhận được một lời đề nghị chính thức nào của ê-kíp Táo quân phía Bắc đồng thời gọi điện qua đạo diễn Đỗ Thanh Hải để kiểm chứng thì nhận được câu trả lời: Đó chỉ là tin đồn và VFC (đơn vị sản xuất Táo quân) chưa có kế hoạch nào như vậy.


Táo quân của VFC là đặc sản không thể thiếu với khán giả dịp Tết

Táo quân của VFC là “đặc sản” không thể thiếu với khán giả dịp Tết

Ngoài góc độ công việc, thậm chí có tin đồn thu nhập của “dàn Táo” khá “khủng” thì việc một nghệ sĩ góp mặt trong chương trình Táo quân là một vinh dự lớn, một vị trí nhiều diễn viên ước mơ. Song, để có được vị trí ấy, không phải ai cũng dễ dàng đáp ứng.

Đầu tiên là những khắt khe mang tính đặc thù của sân khấu. Sân khấu truyền hình trực tiếp là nơi nghệ sĩ không được phép sai, không có cơ hội làm lại… khác hẳn với những đĩa hài, tiểu phẩm đã qua biên tập.

Tiếp theo là thời gian, công sức cho tập luyện. Ở thời buổi hiện nay, rất nhiều diễn viên trẻ chọn con đường chạy show, tăng thu nhập, đóng những vai phụ chớp nhoáng thay vì miệt mài với ánh đèn sân khấu.

Kể cả không ít nghệ sĩ đã thành danh, giữa những show thu nhập hứa hẹn, thời gian không ngặt nghèo hẳn sẽ được ưu tiên hơn một vai diễn tập luyện đến cả tháng trời, phần lớn tập đêm. Minh chứng cho sự hi sinh này là nhiều nghệ sĩ trong “dàn Táo” VFC tiết lộ phải hủy nhiều show dồn tâm huyết cho Táo quân.


Trấn Thành, Trường Giang luôn được đặt câu hỏi: Tại sao không đóng Táo quân?

Trấn Thành, Trường Giang luôn được đặt câu hỏi: Tại sao không đóng Táo quân?

Lịch tập luyện của Táo quân được thực hiện rất chặt chẽ thành một chỉnh thể thống nhất nên không một ai có thể vắng mặt lâu. Đến MC chương trình là MC Thảo Vân cũng phải tuân thủ quy định này một cách nghiêm túc.

Còn nhớ, mỗi năm, cứ đến dịp “dàn Táo” tập luyện, duyệt chương trình thì Thảo Vân buộc phải cân đối giữa việc cơ quan, các chương trình dẫn ở VTV và Táo quân. Nhiều khi, lịch công việc “làm khó” chị, buộc chị ở thế “vắt chân lên cổ” mà chạy khỏi cổng Đài truyền hình Việt Nam đến ngay điểm tập luyện chương trình Táo quân.

Với những điều kiện như thế, thử hỏi nếu một nghệ sĩ miền Nam nhận được lời mời thì họ có thể sắp xếp được hay không? Tất nhiên, nếu chỉ để “câu view” một cách thông thường, đạo diễn Táo quân có thể “đánh tiếng” mời một vài nghệ sĩ nổi tiếng phía Nam, họ nhận lời hay không là ở họ nhưng báo chí, truyền thông sẽ đồng loạt đăng tải thông tin chương trình. Nhưng Táo quân của VFC đủ sức thu hút với khán giả cũng như đủ uy tín với người làm nghề để không cần phải làm như vậy!

Phía Nam vẫn có Táo quân!

Dịp cận Tết được coi như thời điểm “vàng” với nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là nghệ sĩ hài bởi họ có nhiều lời mời, cơ hội tăng thu nhập. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về thu nhập của các nghệ sĩ phía Bắc đóng Táo quân thì một trong số họ bày tỏ: “Để tham gia chương trình, khó có nghệ sĩ nào hoàn toàn không phải dời lịch hay hủy show ít nhất một lần để đáp ứng lịch tập luyện của Táo quân.

Điều đó không chỉ thiệt thòi về vật chất, gián đoạn một số công việc mà đôi khi còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của nghệ sĩ khiến họ bị từ chối mời diễn ở những lần sau. Dù vậy, đóng Táo quân là một niềm vui, vinh dự đặc biệt bởi đây là một chương trình lớn, phục vụ cho hàng triệu khán giả vào thời khắc đặc biệt trong năm. Vì hạnh phúc ấy mà nghệ sĩ sẵn sàng cống hiến cho khán giả”.


Một hình ảnh của Táo miền Nam với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng

Một hình ảnh của “Táo miền Nam” với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng

Thực tế, ngoài chương trình Táo quân của VFC thì mỗi năm, các đài truyền hình ở nhiều tỉnh thành như: Vĩnh Long, Đồng Nai, HTV9… đều làm Táo quân. Trong đó, chương trình Táo của đài Vĩnh Long được đánh giá cao về chất lượng, quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: NSƯT Bảo Quốc, Hồng Vân, Minh Nhí, Anh Vũ, Quốc Thuận, Thanh Thủy…

Vậy vì sao trong nhiều chương trình Táo quân khắp cả nước thì Táo quân của VFC gần như vẫn ở vị trí “độc tôn” về tiếng vang? Đầu tiên phải kể tới nội dung kịch bản. Kịch bản “Táo miền Bắc” dám nói về những vấn đề nóng của xã hội một cách cô đọng, uyển chuyển nhưng rạch ròi.

Tiếp đến, ê-kíp nghệ sĩ đóng Gặp nhau cuối năm toàn những gương mặt danh tiếng lại say mê nghề nghiệp, nhiều người đã lên cấp quản lý vẫn hăng say với Táo quân như những ngày đầu đứng trên sân khấu này.

Nghệ sĩ Anh Vũ – một người chuyên đóng “Táo miền Nam” từng thừa nhận, miền Nam có Táo quân nhưng nội dung kịch bản vẫn chỉ chung chung chứ không thật sắc sảo. Anh từng ra miền Bắc chứng kiến nghệ sĩ tập Táo quân và trong lòng khâm phục vì đồng nghiệp phía Bắc tập sáng tập khuya, nhiều ngày nhiều buổi trong khi miền Nam nghệ sĩ chỉ tập vài buổi, xong duyệt rồi quay nên khi diễn phần nhiều là ngẫu hứng.

“Nghệ sĩ nổi tiếng và tài năng ở miền Nam không thiếu nhưng lại không gom được hết lực lượng diễn viên mạnh để làm Táo. Có những năm, Táo quân miền Bắc được mời đi châu Âu để trình diễn lại cho khán giả Việt ở châu Âu xem luôn. Đó cũng là điều Anh Vũ thích ở Táo quân miền Bắc”, nghệ sĩ Anh Vũ từng nhận định.

Riêng khâu kết nối giữa các nghệ sĩ cho một chương trình lớn như Táo quân, phải thừa nhận ê-kíp Táo quân của VFC có sự kết nối đặc biệt. Mỗi nghệ sĩ một ngành nghề, vị trí công việc khác nhau nhưng “đến hẹn lại lên”, mỗi năm một lần, họ không bao giờ cho mình lý do vắng mặt.

Nhiều nghệ sĩ trong ê-kíp ngoài đời là bạn bè thân thiết với nhau, đôi khi họ bị “ràng buộc”, khuyến khích thậm chí cả “hù dọa” (nếu bỏ chương trình) từ đồng nghiệp của mình.