Trong một lần trò chuyện với phóng viên, Vinh Sử đã nói: Tôi đã tự xây mộ cho mình. Nghe nói thế, mọi người lặng đi bởi đều hiểu hàm ý của ông.
Sinh ra và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ trong một xóm lao động nghèo ở quận 4 (TPHCM) nên trong những sáng tác của mình, nhạc của Vinh Sử gắn liền với thân phận những người nghèo khó.
Vì thế, các sáng tác của Vinh Sử được hầu hết giới bình dân đón nhận bởi nó gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung ca khúc thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không “môn đăng hộ đối” giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Và Vinh Sử đã trở thành “Vua nhạc sến” bởi thế.
Nhạc sỹ Vinh Sử khi tham gia làm giám khảo trong một chương trình âm nhạc
Sáng tác về thân phận người nghèo nhưng Vinh Sử không nghèo, trước 1975 có những ca khúc Vinh Sử đã bán được cả vài chục cây vàng. Có nhiều tiền, Vinh Sử lao vào với những cuộc chơi kiểu “phá gia chi tử”, có những đêm “Vua nhạc sến” chi cả gần chục cây vàng cho tiệc tùng được gọi là “Nhất dạ đế Vương”. Bởi thói đốt tiền hoang phí như thế nên khi những ca khúc ủy mị bị cấm hát, “Vua đã bị thất ngôi”, Vinh Sử trở nên nghèo nghèo khó, túng thiếu không nhà cửa, phải ở nhà thuê nay đây mai đó.
Vinh Sử khi sống trong nghèo khó
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi dòng nhạc bolero trở lại thì một lần nữa Vinh Sử lại có được cuộc sống xa hoa. Đó là khi những album “Mưa bụi” ra đời do Kim Lợi Audio sản xuất với phần biên tập âm nhạc do Vinh Sử phụ trách.
Thời điểm đó, các chương trình âm nhạc trong nước chỉ sản xuất các album nhạc trẻ, nhạc trữ tình cách mạng, còn dòng nhạc bolero chỉ nhập lậu từ hải ngoại. Và “Mưa bụi” ra đời với dòng nhạc bolero, với các ca khúc mang âm hưởng dân ca đã chinh phục khán giả Việt Nam khi có những album số lượng bán lên tới cả vài trăm ngàn bản.
“Mưa bụi” không chỉ hát nhạc Vinh Sử, với vai trò của một biên tập viên, “Vua nhạc sến” đã góp sức rất nhiều để lan tỏa các ca khúc bolero của những nhạc sỹ khác. Nhiều nhạc sỹ đã nhờ Vinh Sử để đưa ca khúc của họ đến với công chúng, để dòng nhạc bolero trở lại và phát triển cho tới tận bây giờ.
Lễ tang nhạc sỹ Vinh Sử
Album nào bán cũng chạy, Vinh Sử lại có nhiều tiền, “Vua nhạc sến” tiếp tục với những cuộc chơi phung phí như ngày trước. Và rồi khi thị trường âm nhạc có những thay đổi thì Vinh Sử lại trắng tay, trở về với thân phận nghèo khó. Nói về những ngày đó, Vinh Sử bảo: “Tôi không oán trách gì về những ngày đó. Bản tính tôi đã thế, không biết tích cóp hay chắt chiu. Chính tôi đã 2 lần tự đào mộ chôn vùi ngôi vua của mình”.
Sáng ngày 13/9, sau 3 ngày tổ chức lễ tang, linh cữu nhạc sỹ Vinh Sử đã được gia đình đưa về Hoa viên nghĩa trang Bình Dương chôn cất. Đã có hàng trăm người hâm mộ, bạn bè đồng nghiệp cùng đưa tiễn ông “Vua nhạc sến” về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhưng “Ngôi vua” đã không còn trở lại nữa. Những năm cuối đời, Vinh Sử sống chủ yếu bằng tiền tác quyền. Vài chục triệu/quý không phải là nhiều nhưng với một người bình thường cũng đủ với cuộc sống ổn định.
Còn với “Vua nhạc sến” một thời thì số tiền đó chỉ như “muối bỏ biển” bởi hậu quả của thời sống vương giả, quên ngày mai đã để lại cho Vinh Sử nhiều chứng bệnh từ tiểu đường, đại tràng tới bao tử… Những năm cuối đời, Vinh Sử phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, tài sản nhà cửa ra đi hết. Bạn bè đồng nghiệp, người hâm mộ phải chung tay tổ chức đêm nhạc, quyên góp cho nhạc sỹ chữa bệnh.
Bức phù điêu do Vinh Sử xây trên mộ của mình.
Và linh cảm trước sự ra đi của mình, cách đây mấy năm, “Vua nhạc sến” đã tự mua đất, xây sẵn cho mình một ngôi mộ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Trên ngôi mộ được xây bằng đá hoa cương, Vinh Sử cho đúc 1 tấm phù điêu nổi với hình ông ôm cây đàn cùng dòng chữ giản dị “Nhạc sỹ Vinh Sử” cùng một số ca khúc của ông được nhiều người yêu mến.
Không xưng danh “Vua”, dường như “Vua nhạc sến” muốn được yên nghỉ một cách giản dị nhất, như cách ông đã đưa những ca khúc của mình đến với người nghe bằng những lời chân thành, mộc mạc.