Làng cổ Lôi Dương cũng là nơi có nhiều sự kiện đặc biệt chuẩn bị cho việc xuất hiện của nhà Lý, triều đại đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập và hưng thịnh. Dương Lôi hiện còn rất nhiều di tích nói lên vai trò đặc biệt đối với nhà Lý. 

Vùng đất phát tích nhà Lý ở Bắc Ninh, có cây cổ thụ bị sét đánh gắn với bài sấm "kinh thiên động địa" - Ảnh 1.

Cổng ngũ môn đình Dương Lôi, làng Lôi Dương-đất phát tích vương triều Lý, nay thuộc phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

“Minh Đức thái hậu”

Người phụ nữ được vua Lý Thái Tổ tôn vinh là “Minh Đức thái hậu” ngay sau khi lên ngôi, được nhân dân tôn là “Thánh mẫu” và thờ phụng suốt 10 thế kỷ qua vốn là một phụ nữ nghèo khó có tên là Phạm Thị Ngà, người hương Diên Uẩn, người mẹ vĩ đại của vua.

Các vua đời sau tôn vinh bà là Tuyên Bảo thái hậu, Thượng đẳng phúc thần. Hầu hết sử sách và truyền thuyết đều cho biết bà vốn là một thủ hộ ở chùa, do gặp gỡ thần nhân hay do một vị tăng bước qua khi bà ngủ dưới bếp mà thụ thai.

Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi “Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (974)”.

Cụ Nguyễn Ngọc Trừng, 80 tuổi, là bậc hiền minh của làng Dương Lôi cho biết ở địa phương xưa nay vẫn lưu truyền câu “Nở Đường Sau, đau chùa Dận”, nói về sự kiện bà Phạm Thị Ngà sinh con ở xóm Đường Sau của làng. Miếng đất của gia đình bà hơn 3 sào vẫn còn đến những năm 1960.

Do hoàn cảnh éo le, sinh con một mình nên mẹ con bà được dân làng cưu mang, giúp đỡ. Sau này, ở Đường Sau có Cổng Thiện để ghi nhớ ân tình ấy. Và vì nhà nghèo nên ngày đầy tháng con trai, bà chỉ quấy nồi bánh đúc để mời bà con, từ đó quấy bánh đúc mừng sinh con trở thành một phong tục của Dương Lôi cho đến ngày nay.

Một chiếc bồn tắm bằng đá, tương truyền là bồn tắm cho Lý Công Uẩn hiện được kê bên cạnh giếng chùa Cha Lư. Người dân địa phương cho hay: Bồn đá này được tìm thấy ở xóm Đường Sau, dân làng mang về sân chùa để gìn giữ.

Tương truyền năm Lý Công Uẩn 3 tuổi, bà Phạm Thị Ngà mang con đến gửi vào chùa Cổ Pháp cho sư Lý Khánh Văn làm con nuôi. Bà mất sớm, mộ thiên táng ở khu rừng Báng. Năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã về Cổ Pháp, ban tiền lụa cho bô lão. Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1019, vua cho xây dựng Thái Miếu ở phủ Thiên Đức chính là ngôi đền này, còn gọi là Đền Lý triều Thánh mẫu.

Trong Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia ghi nơi đây là “Đền Miễu”. Khu đền xưa kiểu “nội vương ngoại quốc”, giữa là ba lớp đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, xung quanh là tả vu, hữu vu tạo thành hành lang khép kín, bên ngoài là hàng trụ biểu uy nghi.

Các triều đại sau cũng trùng tu nhiều lần nhưng trong chiến tranh giữa thế kỷ XX đền bị hủy hoại. Tuy nhiên, dân làng vẫn gìn giữ được ngai thờ, bài vị, chuông đồng, hoành phi, câu đối và một số đồ tế khí. Ngôi đền hiện nay mới xây dựng lại, qui mô nhỏ hẹp hơn xưa.

Chính điện thờ tượng Tuyên Bảo thái hậu, cũng là Thành hoàng làng Dương Lôi và hai bên hàng chiêu hàng mục là tám cỗ ngai có thánh vị thờ Lý Bát Đế. Hiện vật cổ kính, quí giá nhất là cây thiên hương bằng đá dựng trước sân đền có tên là “Nhất thiên thạch trụ” dựng vào tháng Tám năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705), trên đó ghi rõ (dịch): “Miếu đường xã Dương Lôi là đất báu, nơi danh lam cổ tích, phụng thờ Lý triều thiên thánh tối linh, cho nên mọi nhà trong xã đã công đức làm nên “Thiên hương thạch trụ” dâng tiến trước miếu điện để thờ phụng”. Dân làng Dương Lôi ngày nay vẫn kỵ húy, kiêng chữ “Ngà” để thể hiện lòng tôn kính Thánh mẫu.

“Dương Lôi tích phát”

Đình làng Dương Lôi trước đây có tên là Dương Lôi điện thờ Lý triều bát vị Hoàng đế. Hôm đến thăm đình, chúng tôi may mắn được chiêm bái thượng điện, trên đó có tám cỗ ngai cổ đặt thánh vị thờ Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông, Cao Tông và Huệ Tông.

Ở giữa có tượng Lý Thái Tổ với dung mạo tươi trẻ, hiền hòa, rất thư sinh. Có lẽ người tạc tượng xưa muốn giữ lại dung mạo thời trai trẻ của vua nơi quê mẹ chăng.

Với người mẹ thì con luôn như còn thơ trẻ. Đến ngày hội, dân làng rước Thánh mẫu từ đền Miễu vào đình, lễ tất lại rước Thánh mẫu về đền Miễu. Làng có tám giáp, mỗi giáp được giao lo lễ kị nhật của một vị vua.

Vùng đất phát tích nhà Lý ở Bắc Ninh, có cây cổ thụ bị sét đánh gắn với bài sấm "kinh thiên động địa" - Ảnh 2.

Tượng vua Lý Thái Tổ thờ ở đình làng Dương Lôi, làng cổ Dương Lôi-đất phát tích nhà Lý, nay thuộc phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đình có đôi câu đối cổ, không ghi niên đại nhưng nội dung thì hết sức quí báu. Đó là “Nam đế định thiên thư, Cổ Pháp linh chung sinh mộc tử/ Đông Ngàn lai địa mạch, Dương Lôi tích phát kế hòa đao” nghĩa là: Vua Nam định tại sách trời, châu Cổ Pháp khí thiêng hun đúc nên sinh nhà Lý (Mộc và Tử thành chữ Lý)/ Đông Ngàn từ mạch đất quí, xã Dương Lôi lưu dấu khởi phát triều đại mới kế tiếp nhà Lê (Hòa và Đao thành chữ Lê).

Cổng ngũ môn của đình Dương Lôi được xây dựng năm 1937 là một công trình kiến trúc truyền thống hoàn mỹ, bằng gạch mộc, có ba cửa chính, trên có lầu và hai cửa phụ.

Câu đối và đại tự ngoạn mục trên cổng ngũ môn được gìn giữ cẩn thận. Xin đọc câu đối chính giữa, mặt ngoài: “Lịch niên thánh kế thần truyền, hậu trạch bảo nhân, công đức thủy/ Tự tích Chiêm triều Man cống, xuân phong hòa khí, thái bình thiên”, nghĩa là: Trải bao năm thánh kế, thần truyền, để lại ơn sâu, bảo vệ nhân dân, công đức như nước/ Từ xưa, nước Chiêm đến chầu, dân Man đến cống, đất nước hòa khí xuân phong, thái bình một thủa.

Chỉ với những di sản đó có thể khẳng định Dương Lôi là nơi phát tích của nhà Lý, là quê mẹ và nơi sinh của Lý Thái Tổ, cũng là nơi phụng thờ tám vị vua nhà Lý tự ngàn xưa.

“Thập bát tử thành”

Ở góc sân đình làng Dương Lôi hiện nay, cũng là đất chùa Cha Lư/ Minh Châu có một cây đa mới trồng khá xanh tốt, đó chính là nơi xưa có cây gạo lớn của làng bị sét đánh, để lại dấu vết là bài sấm, báo hiệu một sự kiện kinh thiên động địa rằng: “Thụ căn diểu diểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành…” nghĩa là: Gốc rễ thăm thẳm/ Ngọn cây xanh xanh/ Cây hòa đao rụng/ Mười tám hạt thành”… Trong đó như đã nêu “Hòa đao” là chữ Lê, “Thập bát tử” ghép thành chữ Lý, nên câu sấm ai cũng hiểu là nhà Tiền Lê sẽ tàn, nhà Lý lên thay.

Vùng đất phát tích nhà Lý ở Bắc Ninh, có cây cổ thụ bị sét đánh gắn với bài sấm "kinh thiên động địa" - Ảnh 3.

Cây đa trồng và cây gạo nơi có bài sấm báo hiệu nhà Lý lên ngôi ở làng cổ Dương Lôi, nay thuộc phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Cây gạo lịch sử đó còn đến năm 1981 mới già cỗi. Ông Nguyễn Đình Phúc, cựu lãnh đạo xã Tân Hồng, người làng Dương Lôi, cho biết hồi đó bọn trẻ hun chuột trong gốc mà khói bốc lên tận ngọn, vậy là cây đã rỗng, lửa cháy bên trong nhưng không dập được dẫn đến cây chết.

Ngày nay, dân làng trồng vào đó một cây đa và cách đó vài thước là một cây gạo cùng hai tấm bia đá ghi lại hai bài sấm thiêng, gắn liền với lịch sử ra đời của Vương triều Lý.

Đứng dưới gốc cây đa non trẻ, xanh tươi và cây gạo mới trồng, chúng tôi biết rằng mình đang được đứng ở nơi đất thiêng, nơi ra đời một trong những dự báo đặc biệt của lịch sử và cũng vì những bài sấm đó mà hương Diên Uẩn sau đổi thành Dương Lôi, tên nôm là Đình Sấm.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện bài sấm trên cây gạo: “Sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: “Ý nói là vua thì non yểu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý lên”. Khi đó, nhà tiền Lê suy vi.

Năm 1005, sau khi Lê Đại Hành (Lê Hoàn) mất, ba con trai tranh giành nhau kế vị, ròng rã 8 tháng trời. Cuối cùng Long Việt (Trung Tông) lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Đĩnh (Ngọa Triều) giết để cướp ngôi.

Bầy tôi đều sợ hãi mà chạy trốn, chỉ có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm lấy xác Trung Tông mà khóc. Ngọa Triều thấy Lý Công Uẩn là người trung nghĩa nên giao cho chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, sau thăng lên Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.

Bốn năm sau, Lê Ngọa Triều qua đời do bệnh tật khi mới 24 tuổi, Lý Công Uẩn được triều thần suy tôn lên ngôi báu.

“Hiển Khánh Vương”

Sư Lý Khánh Văn là cha nuôi, nhưng cha đẻ của ông là ai? Nhiều ý kiến xưa nay cho rằng chính sư Vạn Hạnh là cha đẻ của Lý Công Uẩn. Chuyện đó có thực không, và nếu không phải Vạn Hạnh là cha đẻ thì người cha thực sự của Lý Thái Tổ là ai?

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngay sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn lập tức “Truy phong cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu”. Năm đó Vạn Hạnh hơn 70 tuổi, 16 năm sau ông mới tạ thế, nên Vạn Hạnh chắc chắn không phải là cha đẻ, chỉ là người cha tinh thần, người thầy đặc biệt của Lý Thái Tổ.

Vua cũng đồng thời lập Hoàng hậu, lập Hoàng Thái tử. Đại Việt sử lược ghi vua phong “cho anh làm Vũ Uy Vương, con Vũ Uy Vương là Trưng Hiển làm Thái úy, phong cho em làm Dực Thánh Vương”… Như vậy Lý Thái Tổ có cha và anh em, chắc hẳn là khác mẹ.

Đến năm 1018, vua lại “truy phong bà nội làm Hậu và đặt tên thụy”. Sử sách chỉ cho biết có thế, không cho biết Hiển Khánh Vương tên tuổi, sự nghiệp, quê quán ở đâu. Vì sao vua truy phong bà nội nhưng lại không truy phong ông nội?

Có lẽ do dòng họ Lý với sư Khánh Văn, sư Vạn Hạnh và nhiều cộng sự khác đã tạo ra nguồn gốc huyền ảo “con thần cháu thánh” của Lý Công Uẩn để gây dựng lòng tin cho dân chúng, nên khi đã lên ngôi vua Lý Thái Tổ vẫn phải che giấu tung tích cha và ông nội, dẫn đến có nhiều nhầm lẫn của đương thời và hậu thế.

Rất nhiều người đã nghiên cứu sâu về nhà Lý nhưng chưa có đáp án thuyết phục về cha đẻ của Lý Công Uẩn, chưa làm sáng tỏ sự thật sau những huyền hoặc do cố ý của nhà Lý tạo ra hơn 1000 năm trước.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Ngọc Trừng có nói, ở địa phương vẫn lưu truyền rằng bà Phạm Thị Ngà có thai với một người thợ cày, người vẫn thường đàm đạo với sư Lý Khánh Văn. Người thợ cày đó là con cháu của Lý Khuê… Khi bà Phạm Thị Ngà có thai mới gửi lên chùa Tiêu Sơn.

Lần theo các dấu vết theo giả thuyết này, chúng tôi thử tìm hiểu kỹ hơn thì thấy Lý Khuê (?-968) là người làng Đại Trạch, nay là xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, vốn là một hào trưởng văn võ kiêm toàn, đức độ, được dân chúng mến mộ.

Sau khi xảy ra sự kiện Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không phục nên nổi dậy cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Lý Khuê xưng là Lý Lãng Công là một trong các sứ quân ấy, chiếm giữ vùng Thổ Lỗi (Thuận Thành) ở phía Nam sông Đuống.

Theo thần tích một số xã ở Thuận Thành thì Lý Khuê đánh nhau với quân của Đinh Bộ Lĩnh bị thua và qua đời ở làng Dương Xá (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội) ngày 30 tháng 4 năm Mậu Thìn (968). Ông được dân chúng phụng thờ ở đình thôn Yên Bình và đình thôn Dương Đanh của xã Dương Xá.

Với hoàn cảnh như thế chắc chắn con cháu của Lý Khuê còn rất đông đúc nhưng phải mai danh, ẩn tích trong dân gian khi nhà Đinh, nhà Tiền Lê nối nhau trị vì đất nước. Một trong số đó là anh thợ cày chùa Tiêu Sơn chăng…

Một điều đáng quan tâm là hai sự kiện xảy ra năm 1232 được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư  cho hay, vì lý do kiêng húy của Trần Lý, (ông nội Thái Tông Trần Cảnh) nên “đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng nhớ mong của dân chúng đối với nhà Lý”.

Rồi “Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”. Việt sử thông giám cương mục cũng giải thích: “Thái Đường: tên thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, chỗ này là hành cung nhà Lý trước”. Ngày nay Thái Đường, Hoa Lâm thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Mai Lâm còn có nhiều địa danh như ánh xạ của những sự kiện xa xưa gồm đồng Bẫy Sập, bãi Tổng Binh, ao Sau Dinh, cầu Giá Ngự và những di tích như miếu Âm Hồn, mộ Hùng Công. Kết quả khảo cổ cũng tìm thấy nhiều vật kiến trúc tương tự ở Hoa Lư và Thăng Long, chứng tỏ từ thời nhà Lý đã có nhiều công trình lớn tại đây.

Vấn đề đặt ra là vì sao tôn thất nhà Lý lại cúng tế tổ tiên tại nhà Thái Đường ở Hoa Lâm? Thái Đường hay Thái Miếu là miếu thờ của nhà vua, như vậy rõ ràng nơi đây thờ tổ tiên bên nội của Lý Thái Tổ cũng như các vị vua nhà Lý. Đình thôn Thái Bình hiện nay (Thái Đường xưa) còn lưu đôi câu đối: “Mạch tụ quân vương truyền thánh địa/ Tích lưu Lý mẫu quán danh phương”.

Hy vọng rồi đây các nhà nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ danh tính của tổ tiên nhà Lý, của Hiển Khánh Vương, cũng như “Lý mẫu” ở Hoa Lâm, bà phải chăng là thân mẫu của Hiển Khánh Vương, có người nói tên là Phạm Thị Tiên nhưng không ít người nhầm lẫn với Thánh mẫu Phạm Thị Ngà người làng Dương Lôi…

“Cổ Pháp triệu cơ”

Đền Lý Bát Đế (Đền Đô) ở làng Đình Bảng có bức đại tự “Cổ Pháp triệu cơ” nghĩa là Cổ Pháp – nền móng khởi đầu của nhà Lý. Do cách hiểu đại khái, do thông tin không chính xác nên nhiều người lầm tưởng Cổ Pháp là tên cũ của Đình Bảng ngày nay. Thực ra không phải như vậy.

Vùng đất phát tích nhà Lý ở Bắc Ninh, có cây cổ thụ bị sét đánh gắn với bài sấm "kinh thiên động địa" - Ảnh 4.
Cột Thiên hương ở đền Miễu.

Về địa danh Cổ Pháp, người dịch Đại Việt sử ký toàn thư chú giải: “Cổ Pháp, tên châu, thời Đinh gọi là Cổ Lãm, triều Lê Đại Hành cho đến năm 955 vẫn còn gọi tên ấy, sau đổi gọi là Cổ Pháp. Lý Thái Tổ lên ngôi đổi làm phủ Thiên Đức”. Theo Việt sử thông giám cương mục thì đất ấy đến nhà Trần thì đổi thành huyện Đông Ngàn.

Như vậy, Cổ Pháp tương đương với huyện Đông Ngàn, trong đó có rất nhiều làng xã. Theo một công trình nghiên cứu mới đây thì sử nhà Trần, nhà Lê không nói đến chùa Cổ Pháp và không nói đến hương Cổ Pháp. Mãi đến sử nhà Nguyễn là Cương mục mới ghi: “Sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn” và chú giải sai rằng “Chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng huyện Đông Ngàn”… trong khi thực tế xã Đình Bảng không hề có chùa Cổ Pháp.

Ngôi chùa Cổ Pháp mà sư Lý Khánh Văn nuôi Lý Công Uẩn thời thơ ấu thuộc làng Đại Đình, bên cạnh làng Dương Lôi và làng Đình Bảng.

Hiện ngôi chùa còn giữ được bia đá “Cổ Pháp tự bi trùng tu di tích” và chuông “Cổ Pháp tự chung”. Đại Đình vốn là một xã, tương tự Đình Bảng, cùng thuộc tổng Phù Lưu, vậy mà chính sử vẫn nhầm, kéo theo nhiều sai lạc.

Cho đến ngày nay nhiều thông tin sai lạc vẫn tiếp tục được lan truyền, gây nhầm lẫn cho dân chúng. Ngôi chùa Dặn của làng Đình Bảng ở bên đường Quốc lộ 1A cũ có tên chữ là Ứng Thiên tự, vậy mà người ta làm biển bê tông gắn ngoài cổng là “Chùa Cổ Pháp” khiến đại biểu về dự một Hội thảo ở chùa Cổ Pháp thôn Đại Đình nhầm lẫn một phen.

Người địa phương còn cho biết, khoảng năm 1984, Công an Hải Phòng bắt được vụ buôn đồ cổ, tìm thấy chuông đồng của chùa Cổ Pháp đã trả về cho địa phương, khi đó chùa Cổ Pháp chưa được phục dựng, nên chuông được đưa về treo tạm ở chùa Dặn cho đến ngày nay.

Vì thế, nếu không rõ lai lịch, mấy ai biết đấy là quả chuông treo nhầm chùa. Hay lễ hội Đền Đô ở Đình Bảng tổ chức vào các ngày 13/14/15 tháng Ba âm lịch vốn là hội làng nhưng được tuyên truyền là kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ lên ngôi. Sự thật như đã nêu, Lý Thái Tổ lên ngôi ngày Quí Sửu, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009).

Thời xưa các thiền sư và Lý Công Uẩn vì thời cuộc mà phải dùng sách lược hư hư, thực thực mà ngày nay hậu thế không những “dĩ nghi truyền nghi” mà lại sáng tác thêm nhiều thông tin sai lạc vì động cơ nào đó, là rất phản lịch sử và đáng phê phán.

**

Từ Đền Đô đi xe chừng dăm bảy phút là sang đến Dương Lôi với con đường mới mở thênh thang. Đình Bảng có khu rừng báng nơi đặt lăng mộ các vị vua triều Lý, nên Đền Đô có thể coi là tẩm điện, điện thờ nơi đặt lăng mộ của vua. Đó cùng là di tích quí giá.

Đình Bảng – Đình Sấm là một quần thể bổ sung cho nhau, trong đó Đình Sấm ẩn chứa nhiều di sản cả vật thể và phi vật thể, đặc biệt là quê mẹ, được các triều đại suy tôn là “ Lý triều thánh mẫu thang mộc ấp” là một địa danh đặc biệt, cần được quan tâm, bảo tồn, tu tạo một cách đặc biệt…