Khách đến ăn bánh xèo rồi bỏ lại bé gái 3 tuổi, vợ chồng bà Luôn giữ lại nuôi và yêu thương như cháu nội. Hơn 4 năm qua, dù cuộc sống vất vả nhưng ông bà vẫn nuôi Tường Vy bằng tình thương vô bờ.
Đứa “cháu nhặt” của vợ chồng già
11 giờ trưa, trời TP.HCM nắng gắt. Ông Nguyễn Văn Chương (70 tuổi, ở đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) sửa soạn, dọn hàng bánh xèo để mở bán. Nhà ông bà ở cách đó không xa, hai vợ chồng bán bánh xèo khoảng 30 năm nay.
Bà Phạm Thị Luôn (70 tuổi, vợ ông Chương) lấy cơm cho bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (7 tuổi) ăn trưa. Bé Vy là người “cháu nhặt” của ông bà cách đây hơn 4 năm.
Tường Vy hiện đã 7 tuổi
Tháng 12.2018, thời tiết se lạnh, người dân nườm nượp đến nhà thờ gần nhà ông bà chơi lễ Giáng sinh. 3 giờ chiều, khách ra vào quán đông, ông bà chăm chú đổ bánh xèo cho khách. Thời điểm đó, có một người phụ nữ mang con gái 3 tuổi đến ăn. Ăn xong, người mẹ không trả tiền, lặng lẽ bỏ đi, để lại đứa con ở quán bánh xèo.
Do tất bật đổ bánh, ông bà không để ý. Một lúc sau, khi khách vãn một chút, họ phát hiện có một bé gái chân tay lấm lem, mặt buồn ngủ ngồi ở trong góc. Giật mình, hai vợ chồng đến hỏi: “Mẹ con đâu?”. Đứa bé nhìn ông bà ngơ ngác, trả lời: “Mẹ con đi mất rồi!”.
Bà Luôn xem Tường Vy là cháu nội
Bà Luôn nói với ông Chương, chắc người mẹ đi xem hang đá ở nhà thờ, dặn đứa bé đứng đó đợi mẹ một lúc. Miệng nói, tay bà dọn dẹp bàn ghế nhưng không quên để ý đến bé gái.
“Tôi ngước nhìn lên thấy cháu đang ngủ liền bảo ông xã chạy đi báo với ông tổ trưởng. Ông ấy nói đưa về nhà cho cháu ngủ, nuôi vài bữa đợi mẹ bé quay lại đón. Tôi đưa cháu về nhà, lấy cái gối cho cháu ngủ và quay ra bán hàng”, bà Luôn nhớ lại.
Tường Vy cũng rất thương bà
Bà Luôn có hai người con. Ông Nguyễn Đào Anh (46 tuổi, con trai đầu của ông bà) chưa lập gia đình, bà Nguyễn Hồng Anh (43 tuổi, con gái thứ hai) có 3 con. 6 giờ chiều cùng ngày, đứa cháu ngoại của bà đi học về vô cùng bất ngờ khi trong nhà xuất hiện thêm đứa bé đang nằm ngủ. Bà ân cần giải thích chuyện khách bỏ quên con nên cho ngủ nhờ đợi mẹ đến đón.
Dọn hàng xong xuôi, bà quay vào nhà lấy nước nóng tắm, lấy cơm cho đứa “cháu nhặt” ăn. Ông Đào Anh đồng ý để bà nuôi, đi báo cảnh sát khu vực đồng thời lấy 500.000 đồng nhờ em gái đi mua mấy bộ quần áo mới cho đứa trẻ tội nghiệp.
“Cháu không ăn được gì, tôi lấy thêm sữa cho uống nhưng cũng không uống được. Qua ngày hôm đó, cháu bị sốt, hai con tôi chở xuống BV Nhi đồng 2 TP.HCM đi khám, thử máu. May sao, bác sĩ nói sức khỏe không có gì nghiêm trọng”, bà Luôn nói.
Cô bé hiền lành, dễ thương
Nghe tin cặp vợ chồng nhặt được đứa cháu bỏ rơi, mọi người hiếu kỳ đến xem, bàn ra tán vào. Có người còn khuyên họ bỏ đi. Chừng một năm, bé Tường Vy có da có thịt hơn, có nhiều người tới xin.
“Lúc cháu nheo nhóc, người ta tới còn khuyên bỏ đi giờ thấy nhà tôi nuôi đẹp vậy tới xin, vợ chồng tôi không cho. Nếu mẹ cháu đến đón và cháu chịu đi thì tôi chấp nhận. Cháu ngoan lắm, cũng chẳng bao giờ đòi mẹ. Cháu gọi tôi là bà nội, tối cứ đòi ngủ với tôi. Tôi thương cái nết hiền lành của cháu”, bà bộc bạch.
Bà Luôn nói, hàng bánh xèo giúp vợ chồng bà không giàu nhưng cũng không nghèo khổ, sống được qua ngày. Trước dịch Covid-19 có những ngày bà bán được khoảng 2 triệu đồng. Đứa bé sống cuộc sống mới cùng ông bà, gọi ông Đào Anh là ba, vợ chồng bà Luôn là ông bà nội. Tường Vy cũng là cái tên ông bà đặt cho cháu với hi vọng sau này cuộc đời cũng tươi đẹp như cái tên.
Thỉnh thoảng, bé ra quán bánh xèo của ông bà chơi
“Đợt dịch mấy đứa con không có việc, nhà tôi nghỉ bán, nhà khó khăn hơn nhưng vẫn cố lo Tường Vy từng bữa ăn đầy đủ. Giờ tôi nhờ được cháu rồi, tối cháu lấy thuốc cho tôi uống, nhà dơ quá cũng quét dù không được sạch lắm. Thỉnh thoảng, cháu ra hàng bánh xèo chơi, phụ lấy cái này cái kia. Tôi vui khi có thêm cháu và cũng không ngờ có thể nuôi được đến ngày hôm nay”, bà chia sẻ.
Suốt thời gian qua, bà nghĩ ra nhiều lý do để người mẹ quyết định bỏ lại đứa con. Thứ nhất, vì họ nghèo không có điều kiện nuôi con. Thứ hai, bà đoán người mẹ đã tới quán nhiều lần, nghĩ vợ chồng bà sẽ nuôi. Thứ ba, vợ chồng bà bán ở đây lâu đời, nếu sau này họ muốn tìm sẽ đến địa chỉ đó, mọi người xung quanh sẽ biết và tìm lại được.
“Cảm ơn bà nội!”
Tháng 9.2019, UBND P.16 (Q.Gò Vấp) đã hỗ trợ làm thủ tục để vợ chồng bà Luôn tạm nhận nuôi bé Vy, cấp giấy khai sinh để bé đến trường. Bé Vy đã được đi học tại một trường mầm non công lập trên địa bàn phường nhưng sau hai tháng phải nghỉ vì bị bệnh.
Lo sợ sức khỏe của cháu, bà Luôn cho cháu ở nhà một thời gian dài. Sau khi bé khỏe lại cũng là lúc quá thời gian nhập học. Vì vậy, bà tìm cô giáo gần nhà gửi kèm bé Vy học để cháu không bị thiệt thòi.
Cô giáo biết hoàn cảnh nên tạo điều kiện, mỗi tháng chỉ lấy 500.000 đồng. Nhìn dòng chữ cháu gái viết nắn nót: “Cảm ơn bà nội!”, bà Luôn nhìn cháu nở nụ cười tươi.
Bé rất chăm học
“Giờ như có giác quan, cháu đi chơi đâu chút xíu không thấy là gọi liền. Tôi không cho cháu ra nắng vì sợ sổ mũi, sốt, bệnh là khổ. Tôi muốn cho cháu được đi học tới nơi tới chốn, sau này có chén cơm cũng nhớ đến mình hoặc khổ quá cũng không oán hận mình” bà Luôn bộc bạch.
Ông Chương chia sẻ, khi lượm đứa bé, vợ chồng ông chỉ nghĩ đưa vào nhà cho cháu nghỉ đợi mẹ quay lại đón. Ông báo cho chính quyền địa phương, chờ ngày này qua tháng khác vẫn không thấy người phụ nữ đến đón. Kinh tế gia đình không khấm khá việc có thêm một thành viên chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên ông nghĩ đến việc này bằng cái tâm và đạo đức nên bàn bạc với mọi người trong nhà quyết định để lại nuôi.
Ông Chương cũng xem Tường Vy là cháu nội
“Tôi càng thương càng phải giáo dục cho cháu thật tốt. Tôi cũng mong đây là bài học cho mọi người vì chuyện nông nổi đẩy đưa đứa bé không có tội tình lại phải gánh những hậu quả do bậc cha mẹ để lại”, ông Chương nói.
Bà Lê Thị Tâm (Chủ tịch UBND P.16, Q.Gò Vấp) xác nhận vợ chồng ông Chương nhận nuôi bé Tường Vy mấy năm qua. Hiện cán bộ phường đã có buổi làm việc trực tiếp hướng dẫn ông Chương làm thủ tục nhận bé Vy làm con nuôi chính thức.
Vợ chồng ông bán bánh xèo khoảng 30 năm nay
“Chúng tôi cũng rất thương hoàn cảnh cho bé Vy nên sẽ cố gắng hỗ trợ để tương lai của bé không bị dang dở”, bà Tâm chia sẻ.
Ông tự nhận dù không giàu nhưng vẫn cố gắng nuôi cháu